Các điểm du lịch được Unesco công nhận

Việt Nam là đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước khám phá, tìm hiểu. Trong đó, Các điểm du lịch được Unesco công nhận thì hiện nay đạt ở mức con số 8. Nếu chưa biết đó là những địa danh nào, mời bạn đọc theo dõi cụ thể ở dưới bài viết sau cùng bigtop.vn.

1. Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long – Một vịnh nhỏ thuộc phần bờ tây Vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam. Đây là một trong số những địa danh được Unesco nhiều lần công nhận là di sản văn hóa thế giới. Với diện tích 1.553 km2, Vịnh Hạ Long sở hữu hàng nghìn hòn đảo được hình thành bởi tuyệt tác của tạo hóa. Các đảo ở Vịnh Hạ Long có hai dạng là đảo vôi và đảo phiến thạch với nhiều hình thù khác nhau. Một vài hòn đảo nổi tiếng có thể kể đến như: Hòn Con Cóc, Hòn Đỉnh Hương, Hòn Gà Chọi, Đảo Ngọc Vừng, Đảo Tuần Châu, Đảo Ti Tốp,…

Bên cạnh những hòn đảo có một không hai, Vịnh Hạ Long còn là địa điểm tập trung đa dạng sinh học khi có hai hệ sinh thái điển hình: Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, Hệ sinh thái biển và ven bờ. Mỗi hệ sinh thái lại có những đặc điểm khác nhau về các loài động thực vật.

Ngoài việc mang những dấu tích quan trọng về quá trình hình thành và phát triển trái đất với tuổi kiến tạo lên đến hàng trăm triệu năm, Vịnh Hạ Long cũng chính là địa điểm gắn liền với những trang sử đầy chiến tích của quân dân Việt Nam trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước với những địa danh nổi tiếng như: Vân Đồn, Bãi Cháy, Hang Sửng Sốt, Động Thiên Cung, Hang Đầu Gỗ,…

Đến vịnh Hạ Long, du khách có thể tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học hay tham quan ngắm cảnh, tắm biển, bơi thuyền, thả dù, lặn ngắm san hô, câu cá giải trí. Các loại hình du lịch du thuyền tại vịnh Hạ Long bao gồm tham quan vịnh ban ngày, đi tour buổi chiều ngắm cảnh hoàng hôn trên vịnh, du thuyền đêm để ngắm cảnh vịnh về đêm kết hợp với câu cá mực, thậm chí du khách có thể tự chèo thuyền để khám phá vịnh.

2. Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn

Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn được Unesco công nhận vào ngày 1/12/1999. Thánh địa Mỹ Sơn từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu quyền lực. Đây được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này ở Việt Nam. Mỹ Sơn đã chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ về lối kiến trúc lẫn cả văn hóa, được thể hiện rõ nét trên những bia mộ được khắc bằng chữ Phạn.

Tại Thánh Địa Mỹ Sơn có một đền được xây dựng bằng đá. Đền này đã được trùng tu lần cuối cùng vào năm 1234 nhưng vẫn chưa hoàn thành. Trải qua thời gian, khu di tích cũng bị tàn phá một phần bởi các cuộc rải bom của quân đội Mỹ trút xuống Việt Nam. Tuy vậy, nơi đây vẫn còn rất nhiều tòa tháp nguyên vẹn cùng lối kiến trúc độc đáo hấp dẫn du khách. Khu thánh địa Mỹ Sơn có đến 70 ngôi đền tháp khác nhau được chạm khắc rất tinh xảo. Phần gạch dùng để xây nên những tòa tháp này được nung và cắt khối sau đó xếp chồng lên nhau khéo léo mà không hề sử dụng một chất kết dính nào, đây cũng chính là điều mà du khách ấn tượng khi khám phá nơi này.

Vào tháng 7 hàng năm theo lịch Chăm, Thánh địa Mỹ Sơn có diễn ra lễ hội Katê. Nếu bạn có lịch trình trùng với lễ hội thì bạn không những được tham quan di sản độc đáo mà còn có cơ hội hòa mình vào các nghi lễ cúng cầu an, kiệu rước lễ phục & Katê, rước nước,…Trong quá trình diễn ra lễ hội, chắc chắn sẽ có rất nhiều màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với những đạo cụ truyền thống kết hợp cùng điệu múa của các nghệ sĩ, chắc chắn điều này sẽ là trong những ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

3. Quần thể di tích Cố đô Huế

Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế lần đầu tiên được Unesco công nhận là một trong những di sản văn hóa thế giới. Được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 đến nữa đầu thế kỷ 20, đây là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế và là cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn từ 1802 – 1945. Hệ thống thành quách ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc Đông – Tây và khung cảnh thiên nhiên kỳ thú: núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh,…

Quần thể di tích cố đô Huế được phân ra làm 2 cụm trong và ngoài kinh thành Huế. Các cụm công trình ở khu vực bên trong kinh thành bao gồm: Kì Đài, Trường Quốc Tử Giám, Điện Long An, Bảo Tàng Mỹ Thuật Cung Đình Huế, Đình Phú Xuân, Hồ Tịnh Tâm, Tàng thư lâu, Viện Cơ Mật – Tam Hòa, Cửu vị thần công, Hoàng thành Huế. Còn về các di tích ngoài kinh thành chính là: Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Dục Đức, Lăng Khải Định, Trấn Bình đài, Phu Văn Lâu, Tòa Thương Bạc, Văn Miếu, Võ Miếu, Đàn Nam Giao, Hổ Quyền, Điện Voi Ré, Điện Hòn Chén, Chùa Thiên Mụ, Trấn Hải Thành, Nghênh Lương Đình, Cung An Định.

Bên cạnh những kiến trúc mang đậm chất lịch sử, những địa danh khác cũng góp phần tô điểm thêm cho nét đẹp của Quần thể di tích Cố đô Huế như: Sông Hương, Núi Ngự, Chùa Thiên Mụ, Bạch Mã, Lăng Cô, Thuận An,…Chính vì những yếu tố thuận lợi này, Quần thể di tích Cố đô Huế không những thu hút du khách đến check-in cũng như chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh mà còn được tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc độc đáo một thời phong kiến của Việt Nam.

4. Phố Cổ Hội An

Ngày 4/2/1999, tổ chức Unesco đã công nhận Phố Cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới. Phố Cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam. Nơi đây từng là một thương cảng sầm uất với sự gặp gỡ và giao lưu của các thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và Phương Tây trong suốt thế kỷ 17 – 18. Phố Cổ Hội An là minh chứng xác thực nhất về cảng thị truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Đa phần các ngôi nhà tại Phố Cổ Hội An đều được xây dựng với lối thiết kế một tầng hoặc hai tầng, với kết cấu khung gỗ và tường gạch hai bên. Điểm chung của những ngôi nhà này là đều có hình dạng 2 mái trông rất đồng điệu. Bề ngang mỗi ngôi nhà tầm 4 – 8m, chiều dài từ 10 – 40m và nằm san sát nhau dọc trục phố nhỏ hẹp. Dạo bước qua từng con phố, du khách không chỉ nhìn thấy được cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân phố cổ mà còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản hấp dẫn tại đây.

Ngoài những giá trị văn hóa vật thể, Hội An còn là nơi lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tổn và phát triển. Đến với Phố Cổ Hội An, khách du lịch cũng sẽ được chiêm ngưỡng các hội quán cổ kính như: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến. Những ai đam mê chụp ảnh lại càng không thể bỏ qua Chùa Cầu, Chợ Hội An. Chưa hết, địa điểm này còn là nơi giữ gìn và phát triển 12 nghề truyền thống của Việt Nam: Mộc, gốm, lồng đèn, dệt chiếu, dệt vải, thêu thùa, may mặc, đan lát mây, tre, chằm nón, sơn mài.

5. Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Nằm trong các điểm du lịch được Unesco công nhận còn có Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Nằm tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi có mạng lưới hang động tự nhiên lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động lớn nhỏ. Hệ thống hang động tại đây được hình thành qua các thời kỳ kiến tạo địa chất, các pha chuyển động đứt gãy, uốn nếp và phối tảng đã liên tiếp tạo ra các dãy núi trùng điệp và đa dạng hình mạo.

Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn có hệ thống động thực vật đa dạng và phong phú. Nơi đây có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, trong đó có 82 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 116 loài được liệt vào Sách đỏ IUCN; 39 loài được ghi trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; 66 loài có tên các phụ lục CITES. Ngoài ra, trong khoảng 20 năm qua, đã có thêm 42 loài mới lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, bao gồm 38 loài động vật và 4 loài thực vật. Nơi đây ghi nhận 2.952 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, trong đó có 111 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 3 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ.

Cùng với hệ thống hang động trùng điệp, động thực vật muôn màu, Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn có hệ thống sông ngòi phức tạp và các sông ngầm dài. Có 3 con sông chính tại đây bao gồm:sông Chày, sông Son. Trong khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng hùng vĩ xuất hiện dòng nước trong xanh chảy giữa vùng núi đá có rừng đã tạo nên cảnh đẹp thơ mộng thu hút du khách trong và ngoài nước. Đến với Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng, mọi người sẽ có cơ hội khám phá các hang động bằng xuồng, tìm hiểu về hệ động thực vật cũng như tham gia vào các hoạt động leo núi thám hiểm.

6. Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng Thành Thăng Long là quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ có tiến trình lịch sử kéo dài trong suốt 13 thế kỷ và trải qua các vương triều phong kiến, từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn cho đến giai đoạn chống Pháp. Trải qua nhiều biến động lịch sử, Kinh đô Thăng Long xưa kia đã không còn những tòa thành đồ sộ, tráng lệ. Tuy nhiên, những di tích và dấu vết còn sót lại đã trở thành minh chứng cho giá trị lịch sử, văn hóa dựng nước, giữ nước của một nước Việt Nam độc lập qua bao thời kỳ. Chính vì vậy mà Hoàng Thành Thăng Long đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 1/8/2010.

Hoàng Thành Thăng Long chính là nơi chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử, bao gồm các di tích có thể kể đến như: Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Cột Cờ Hà Nội, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc, Nhà D67.

  • Cột cờ Hà Nội: Một công trình hoành tráng giữ được nguyên vẹn kiến trúc cho đến ngày nay. Công trình được xây dựng vào năm 1812 dưới thời vua Gia Long với một thân cột và 3 tầng đế hình chóp vuông cụt có thang gạch dẫn lên.
  • Cửa Bắc: Còn có tên gọi là Chính Bắc Môn. Đây là cổng thành duy nhất còn sót lại của thành Hà Nội xưa kia. Công trình được xây dựng vào năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn. Phần lầu trên cổng thành được phục dựng làm nơi thờ 2 vị anh hùng Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. 
  • Điện Kính Thiên: Đây là nơi thiết triều và diễn ra các nghi lễ long trọng của triều đình trước kia. Di tích này hiện chỉ còn khu nền cũ với thềm đá, lan can và đôi rồng được chạm khắc tinh xảo. 
  • Đoan Môn: Đây là cổng chính dẫn vào Cấm thành có thiết kế hình chữ U với 3 cửa vòm cuốn. 

Đặt chân đến quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật xưa cũ, tham quan giếng cổ và check-in tại đây. Di tích Hoàng thành còn là địa điểm chụp ảnh được nhiều người lựa chọn thực hiện những bộ ảnh ấn tượng cùng cổ phục, áo dài. Khu trung tâm di tích Hoàng Thành thường xuyên diễn ra nhiều sự kiện, du khách cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng không gian cung đình kỳ ảo dưới ánh đèn lồng và tìm hiểu về triều đại xưa qua những kiến trúc, cổ vật quý, thưởng thức điệu múa hoàng cung…

7. Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, nằm cách trung tâm thành phố 45 km và cách Hà Nội 140 km. Đây là tòa thành được kiên cố với kiến trúc độc đáo và có thời gian xây dựng tương đối ngắn, chỉ vỏn vẹn 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397). Vào ngày 27/06/2011, Unesco đã công nhận Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.

Phía ngoài thành được xây bằng đá, bên trong xây bằng đất đầm nện chắc. Tường thành đá bên ngoài là những khối đá nặng trung bình 10 – 16 tấn, có khối nặng hơn 26 tấn được đẽo gọt khá vuông vắn và lắp ghép theo hình chữ công tạo nên sự liên kết vững chắc. Trải qua hơn 6 thế kỷ, đất đắp bên trong đã bị bào mòn và có chỗ bị sạt lở. Tuy nhiên, một số đoạn của tòa thành vẫn giữa được sự nguyên vẹn đến ngày hôm nay với bề dài khoảng 4 – 6m, chân thành rộng khoảng trên 20m. Hào bao quanh thành cho đến nay vẫn còn có đoạn rộng khoảng 10 – 20m và La thành bảo vệ vòng ngoài.

Theo như sử liệu, trên thành còn xây tường bằng gạch mà khảo cổ học đã phát hiện. Trên nhiều viên gạch còn khắc tên đơn vị các làng xã được điều động về xây thành. Ngoài Thành trong, khu di tích Thành Nhà Hồ còn có: Tường Thành, Hào Thành, La Thành, Đàn Nam Giao, Đền thờ nàng Bình Khương, Đình Đông Môn,…Trong đó, đàn Nam Giao được xây trên sườn phía Tây Nam núi Đốn Sơn bằng đá với quy mô khá lớn.

8. Quần thể danh thắng Tràng An

Quần thể danh thắng Tràng An cũng xuất sắc khi lọt vào danh sách các điểm du lịch được Unesco công nhận. Địa điểm này nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An hội tụ đầy đủ những yếu tố về “Thiên thời – Địa lợi”, nơi đây là sự kết hợp hài hòa giữa núi đá, hệ sinh thái, rừng cây, thảm thực vật, đồng lúa, hồ đầm trong khoảng diện tích 12.252 m2. Bên cạnh đó, địa điểm này còn có những ngôi chùa, đền và phủ được xây dựng rất lâu đời với mái ngói cổ kính, rêu phong, tạo nên một yếu tố văn hóa thiêng liêng của tín ngưỡng tâm linh giữa bức tranh thủy mặc.

Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm khu di tích lịch sử Cố Đô Hoa Lư và hệ thống khu du lịch sinh thái: Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Thung Nắng, Động Thiên Hà, Hang Múa, KDL tâm linh Chùa Bái Đính. Sự liên kết giữa các khu vực này đó chính là hệ sinh thái rừng đặc dụng Hoa Lư trên núi đá vôi, những cánh đồng lúa trải dài theo các dòng sông thông với nhau qua nhiều hang động ngầm. Vẻ đẹp của Tràng An làm mê mẫn du khách còn là sự xuất hiện của những người nông dân và ngư dân chài đang sinh sống theo phương thức truyền thống.

Đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên sông nước và núi non hùng vĩ, du khách còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản dân dã mà thơm ngon như: Cơm cháy ruốc, thịt dê núi Ninh Bình, nem Yên Mạc,…Chưa kể, quần thể danh thắng Tràng An thường xuyên diễn ra các lễ hội cổ truyền, nếu đi du lịch vào đúng dịp, bạn có thể hòa mình vào bầu không khí lễ hội đặc sắc, đậm đà truyền thống dân tộc.

Big TOP Việt Nam
Logo